Làm Sạch Men
Thô-ma Nghi Ngờ
Sứ Đồ Phao-lô
Ru-ma-ni
“Chúa Jesus Yêu Bạn”
Rose Werner
Sự Phục Hưng?
Hãy Chỉ Cho Tôi Chúa Jesus
Hội Thánh Lao-đi-xê
“Nó Ở Đây!”
Nhiều người cố nói với chúng tôi rằng dấu kỳ, phép lạ sẽ khiến cho những người chưa được cứu tin nhận Chúa. Vào ngày Lễ Vượt Qua trong thời Chúa Jesus, các ra-bi (tu sĩ Do Thái giáo) nổi tiếng sẽ đến với nhau và tranh luận. Tại một ngày Lễ Vượt Qua đặc biệt, vị Ra-bi mà mọi người đều muốn gặp, là người có thể nuôi ăn hàng ngàn người chỉ với rổ bánh dành cho bữa ăn ngoài trời của một cậu bé, người có thể đi bộ trên mặt nước, người có thể chữa lành mọi bệnh tật và thậm chí khiến kẻ chết sống lại. Đoàn dân muốn Ngài trình diễn một màn. Họ đã có phúc âm về “dấu kỳ và phép lạ.” Họ cũng muốn người đó tống khứ người La Mã, cách mà người Mác-ca-bê đã đánh đuổi người Hy Lạp. Họ đã có phúc âm về “Vương Quốc Ngay Bây Giờ.” Và, nếu bạn hiểu Hallel Rabbah từ Thi Thiên 113 đến 118, mà họ hát cho Chúa Jesus, như họ đang hát “hãy ban cho chúng tôi sự thịnh vượng ngay bây giờ.” Vậy họ đã có phúc âm về “sự thịnh vượng.”
Dân nầy không muốn Đấng Mê-si sẽ là Tôi Tớ Chịu Khổ. Họ muốn một đấng sẽ làm cho họ giàu có.
- Làm Sạch Men
Lễ Vượt Qua bắt đầu với việc làm sạch men. Chúa Jesus sẽ không trình diễn màn nào. Thay vào đó Ngài làm sạch men. Men là hình bóng của tội lỗi, đặc biệt là tội kiêu ngạo, bởi vì nó dậy phồng lên. Kiêu ngạo là loại tội ủng hộ các loại tội khác. Ví dụ như nếu ai đó có tính tham lam thì vấn đề cơ bản của họ là kiêu ngạo. Nếu ai đó có tính dâm ô thì vấn đề cơ bản của họ cũng là kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tội lỗi nền tảng của các tội lỗi khác. Kiêu ngạo còn liên kết với tà giáo. Đó là lý do Chúa Jesus phán: “Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si” (Mat. 16:6).
Tòa án tối cao Do Thái chịu trách nhiệm kiểm tra chiên vào ngày Lễ Vượt Qua. Họ kiểm tra đến bảy mươi bốn khuyết tật khác nhau. Nếu không tìm được khuyết tật nào trên con chiên, họ sẽ chấp nhận cho nó được hiến tế. Nhưng họ xuyên tạc kinh Torah, chuyển vai trò tế lễ Lê-vi của mình sang việc buôn bán. Các lãnh đạo tôn giáo bóp méo Lời Chúa để nâng cao địa vị của chính họ, lợi dụng dân sự Đức Chúa Trời và trục lợi trên huyết của chiên con. Thay vì tống khứ người La Mã, Đức Chúa Trời đã tống khứ họ. Đức Chúa Trời quan tâm đến tội lỗi trong đời sống tôi và bạn nhiều hơn là tội lỗi trong đời sống của người chưa được cứu.
Chúa Jesus đã quét sạch bọn đổi bạc ra khỏi đền thờ bởi vì sự phán xét bắt đầu trong nhà của Đức Chúa Trời. Dẹp sạch đền thờ xong, chúng mang người què đến và Ngài đã chữa lành cho họ. Các phép lạ cặp theo nầy (Mác 16:20), Chúa Jesus sẽ không bao giờ cho phép các dấu kỳ phép lạ bị thổi phồng trên sự ăn năn.
Việc tương tự xảy ra vào lễ Hanukkah,* lễ về phép lạ của người Do Thái. Họ muốn ném đá Ngài và Ngài phán: “Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi các ngươi ném đá Ta” (Gi. 10:32).
*Lễ Hanukkah hay Chanukah, cũng được gọi là Lễ Hội Ánh Sáng, kỳ nghỉ tám ngày của người Do Thái để kỷ niệm việc tái dâng hiến Đền Thờ Thánh (Đền Thờ Thứ Nhì) ở Jerusalem vào thời Mác-ca-bê, thế kỳ thứ 2 trước Chúa. ND.
Nếu dấu kỳ phép lạ thật sự là chìa khóa để phục hưng, tại sao họ lại kêu gào vào vài ngày sau đó: “Đóng đinh Hắn trên cây thập tự đi,” khi họ biết rằng Chúa Jesus đã khiến La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại và đã chữa lành kẻ bại lẫn người mù? Các thầy thuyết giáo phát đạt, kẻ công bố mình có tất cả phép lạ, đã ở xung quanh thời gian dài, nhưng không có sự phục hưng nào đến; dĩ nhiên Phúc Âm bị ô nhơ bởi những vụ bê bối của họ.
- Thô-ma Nghi Ngờ
“Vả, lúc Đức Chúa Jêsus đến, thì Thô-ma, tức Đi-đim, là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với các môn đồ. Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin. Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi!Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Gi. 20:24-29).
Thô-ma là hình ảnh nghi ngờ của toàn nhân loại. Chúa Jesus đã bày tỏ cho họ trong việc bẻ bánh ─ bánh của Lời Ngài. Khi Chúa Jesus sống lại, Ngài muốn biểu lộ cho họ rằng Ngài không phải là hồn ma, vì vậy Chúa đã ăn.
Sau khi Chúa Jesus khiến La-xa-rơ sống lại từ mộ phần, Ngài được nhìn thấy đang ăn với La-xa-rơ (Gi. 12:1-2). Khi Chúa làm cho cô gái nhỏ sống lại, Ngài đã truyền cho đứa trẻ ăn (Mác 5:43). Hồn ma thì không cần ăn, vì vậy Kinh Thánh dùng ý tưởng về người nào đó ăn sau khi được sống lại để chỉ rằng đó là sự sống lại của thân thể. Chúa Jesus được nhận biết không phải lần đầu, Ngài được nhận ra trong việc bẻ bánh. Ngài có thể làm những việc như đi xuyên qua tường. Điều đó dạy cho biết về tương lai chúng ta. Những gì xảy ra với Ngài, sẽ xảy ra với chúng ta.
Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ (I Côr. 15:20). Khi thầy tế lễ thượng phẩm ra khỏi trũng Kít-rôn (Kidron) lúc bình minh ngày thứ nhất của tuần lễ sau Lễ Vượt Qua, ông ta phải mang ngũ cốc đầu mùa làm của lễ qua Cửa Đông vào trong đền thờ. Tất cả bốn sách Phúc Âm đều nói cho chúng ta rằng Chúa Jesus sống lại lúc bình minh, vào chính thời điểm khi thầy tế lễ thượng phẩm đang mang vào hoa quả đầu mùa. Chúa Jesus là trái đầu mùa của sự phục sinh. Sự phục sinh của chúng ta và của Chúa là sự kiện tương tự, chỉ có Ngài là đầu tiên, vì vậy sự phục sinh của Chúa dạy về sự phục sinh của chúng ta. Môi-se, Chúa Jesus và Ê-li được hóa hình cùng nhau. Ê-li ─ người chưa bao giờ chết (ông được cất lên), Môi-se ─ người đã chết và Chúa Jesus.
Đó là điều đã đánh bại hoàn toàn đế quốc La Mã Ngoại Giáo. Thật là bi kịch khủng khiếp của lịch sử khi Giáo Hoàng La Mã lại không tốt hơn Ngoại Giáo La Mã sau đó, tuy nhiên những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã đánh bại hoàn toàn quyền lực của đế quốc La Mã Ngoại Giáo. Tertulian* đã nói: “Huyết của những người tuận đạo là hạt giống của Hội Thánh.” Những người nầy chẳng kể sự sống của mình làm quý. Phao-lô đã viết cho người La Mã trích từ Thi Thiên 44: “Thật vì Chúa mà hàng ngày chúng tôi bị giết” (Thi 44:22a; Rôm. 8:36).
* Tertullian tức Quintus Septimuis Florens Tertullianus (160-220) là Cơ Đốc nhân đầu tiên sáng tác nhiều tác phẩm. Ông cũng là nhà biện giải xuất sắc chống lại tà giáo. Tertullian còn được gọi là Cha của Cơ Đốc giáo Latin (The Father of Latin Christianity). ND.
- Sứ Đồ Phao-lô
Chứng cớ về việc xức dầu làm sứ đồ của Phao-lô là gì? Phải chăng đó là tất cả những Hội Thánh mà ông khai mở, tất cả người được cứu, hoặc việc ông có thể đứng lên tranh luận với các lãnh đạo giáo sĩ Do Thái nổi tiếng và chiến thắng? Không, đó không phải là chứng cứ của ông. Thậm chí không phải là các phép lạ, gồm cả làm sống lại kẻ đã chết (Công 20). Không có điều nào trong số đó. Chứng cớ cho việc xức dầu của ông là “trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Jesus” (Gal. 6:17). Ông đã dùng từ ngữ Hy Lạp “stigmata,” cho ra từ Anh ngữ “stigmatize.” (Động từ “stigmatize” hay stigmatise” nghĩa là bêu xấu. ND). Ông bằng lòng chịu rủa sả tỏ tường trong thân xác vì cớ Đấng Christ.
- Ru-ma-ni
Vợ tôi là người Do Thái ở Ru-ma-ni. Cha mẹ cô là những người sống sót sau việc tàn sát hàng loạt thời Hitler (Holocaust). Họ đã chịu khổ dưới chế độ Phát-xít và suýt chết. Hầu hết người trong gia đình đều bị giết. Vợ tôi di dân đến Israel khi cô mười một tuổi. Hội Thánh đã chịu khổ nhưng tăng trưởng ở Ru-ma-ni. Sự phục hưng xảy ra trong vòng người Gypsy và những người trước đây không thể hoán cải được. Nhiều người Do Thái đã được cứu. Richard và Sabina Wurmbrand (Tiếng Nói Người Tuận Đạo) đã đến từ cộng đồng Do Thái đó. Nhiều tín nhân chúng tôi biết ở Israel là những người Do Thái đến từ Ru-ma-ni. Hội Thánh trong một quốc gia đã làm gì để tăng trưởng như vậy? Người ta đã làm gì để khiến họ tin? Họ chứng kiến một thân thể bị đóng đinh trên thập tự giá đã sống lại. “Tôi đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal. 2:20). Họ đã không nói như vẹt bằng lời.
Tôi đã gặp nhiều Cơ Đốc nhân sống trong quyền năng của sự phục sinh. Tôi đã gặp nhiều người Do Thái thuộc về Chúa Cứu Thế sống trong quyền năng của sự phục sinh.
- “Chúa Jesus Yêu Bạn”
Tôi nhớ một người anh em có vợ và năm con. Anh là lãnh đạo của một trong những Hội Thánh Thầm Lặng. Anh đã bị giam cầm nhiều năm. Vào lúc đó gia đình anh không biết anh còn sống hay đã chết. Lính gác đánh đập anh nhiều lần và tra tấn, nhưng anh không chối bỏ đức tin mình. Họ tiêm vào tĩnh mạch anh thuốc an thần liều cao và chích điện anh nhiều lần. Chỉ ở tuổi trung niên thôi, song trông anh rất già bởi vì những gì họ đã làm với anh. Giờ đây anh đang ở Israel. Anh là người Do Thái. Vợ anh nắm tay dắt anh đi quanh. Anh chỉ có thể nói một cụm từ, đó là điều duy nhất anh từng nói: “Chúa Jesus Yêu Bạn.”
Họ đã tra tấn anh bằng điện, họ đã tiêm anh thuốc an thần, họ cố hủy diệt đức tin của anh trong Chúa Jesus, Đấng Mê-si. Nhưng đó là điều duy nhất họ không thể hủy diệt. Họ đã hủy diệt cuộc sống anh trên thế gian nầy, họ đã phá hủy trí não và sức khỏe anh. Họ đã hủy diệt mọi thứ, ngoại trừ đức tin của anh trong Chúa Jesus. Người đàn ông có thân thể bị đóng đinh đó đã bước đi và sống trong quyền năng của sự phục sinh.
- Rose Werner
Vợ tôi và tôi rất vinh dự được làm bạn với một phụ nữ Do Thái đến từ Hunggary, là tín hữu Do Thái thuộc thế hệ thứ hai, Rose Werner.
Trong Thế Chiến II, Rose có cơ hội để trốn thoát khỏi Hunggary. Chúa đã phán trực tiếp với cô: “Không, ta muốn con đi đến Gestapo và tự đi vào như một người Do Thái.” Cô đã làm như vậy. Rất ít người Do Thái hoặc Gypsy sống sót ở Auschwitz.* Cô là một trong số rất ít người đó. Những gì đã xảy ra cho cô ở Auschwitz không thế nói bằng lời. Họ đã mang đến hàng ngàn phụ nữ Do Thái mỗi ngày, lột trần truồng, cạo đầu, nhổ răng họ, xông khí độc cho họ chết và rồi bỏ họ vào lò thiêu.
*Gestapo, Cơ Quan Mật Vụ của Đức Quốc Xã, bắt đầu từ tháng Tư 1934 dưới quyền chỉ huy của tướng SS là Heinrich Himmler. Auschwitz, trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Ba Lan trong Thế Chiến II sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan tháng 9.1939. Auschwitz gồm có Auschwitz I, trại chính; Auschwitz II Birkenau, trại hủy diệt; Auschwitz III Monowitz, còn gọi là Buna-Monowitz, trại lao động và 45 trại vệ tinh khác. Đến ngày 27 tháng 1 năm 1945, Auschwitz được giải phóng bởi một đơn vị quân Sô-viết, và đã có hơn 3 triệu người đã chết tại đây. ND.
Cô đã tình nguyện vì việc đó. Khi cô đi đến để ở với Chúa, có nhiều người khác chờ cô, một số phụ nữ Do Thái đó trước khi bị xông hơi độc chết, đã tin Chúa khi nghe Phúc Âm của Đấng Mê-si Jesus từ một người Do Thái. Rose Werner đã có một đời sống bị đóng đinh. Người phụ nữ có một thân thể bị đóng đinh đó đã sống trong quyền năng phục sinh của Đấng Mê-si Jesus (Yeshua).
Tôi biết những người giống như vậy. Nhiều người trong số họ đã chịu khổ vì đức tin mình. Tôi biết nhiều Cơ Đốc nhân, không phải tất cả, là những người ngoan đạo giống như vậy. Thường không phải là kẻ to mồm giống như tôi, mà là các quý bà già nhỏ bé lau rửa bậc thềm nhà thờ, kiêng ăn và cầu nguyện mỗi ngày. Họ nổi bật lên. Tôi có thể chỉ ra người nầy và người kia. Bạn có thể thấy họ. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc thấy những Cơ Đốc nhân riêng biệt và một thân thể bị đóng đinh.
Chúng ta là thân thể của Đấng Christ. Khi thế gian nhìn thấy chúng ta là một thân thể bị đóng đinh đã được phục sinh, họ sẽ lắng nghe sứ điệp của chúng ta và đáp lời.
- Sự Phục Hưng?
Sự chết của Chúa Jesus trở thành của chúng ta. Sự phục sinh của Ngài cũng trở thành của chúng ta. Thế gian hoài nghi về chúng ta cùng sứ điệp của chúng ta và họ sẽ càng hoài nghi hơn nữa. Cách giải quyết ra sao? Dĩ nhiên là cầu nguyện. Giảng giải về Phúc Âm cách tuyệt đối! Nhưng chỉ có một điều sẽ đặt đất nước nầy trở lại con đường đến sự phục hưng thật sự. Chỉ có một điều sẽ khiến quốc gia cứng lòng nầy xem xét lại những lời khẳng định của Chúa Jesus. Đó sẽ không phải là vài kẻ lạm dụng tín nhiệm đến từ Mỹ với những chiếc nhẫn to và xe hơi sang trọng khác thường để nói với họ rằng Đức Chúa Trời muốn họ giàu có. Đó cũng sẽ không phải là những người đối xử giống kẻ điên rồ trong vài nhà thờ ở Toronto. Cách đối xử kỳ lạ của họ sẽ ngăn cản người ta tin Chúa. Điều gì khiến họ sẽ tin khi chúng ta có câu trả lời cho sự thỉnh cầu của họ: “Hãy chỉ cho tôi một thân thể bị đóng đinh và phục sinh. Hãy tỏ cho tôi thấy!”
Phao-lô có thể nói: “Đây!” Rose Werner có thể nói: “Đây!”
Một thân thể bị đóng đinh là nơi mà mỗi và mọi người chúng ta có thể đứng lên và nói: “Đây!”
- Hãy Chỉ Cho Tôi Chúa Jesus
Richard Wurmbrand là tín nhân Do Thái.* Ông là bạn của vợ tôi, họ đã nói chuyện với nhau bằng tiếng Ru-ma-ni. Ông kể về một người nông dân tin Chúa, bị bắt giam và bị tra tấn vì đức tin của mình. Cũng có một khoa học gia ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Bucharest. Người nầy chỉ là nhà khoa học, không tin vào Đức Chúa Trời, nhưng bị giam vào ngục và họ đã tra tấn ông. Có gian phòng nhỏ với độ bốn mươi người sống trong đó, bập bềnh trên bờ vực đói khát, mỗi người đều bị đánh đập nhiều lần. Người nông dân, không phải là người được giáo dục, đi xung quanh làm chứng cho người khác về ai là người đang chết với mình. Wurmbrand đã ở đó. Nhà khoa học, người vốn có trí tuệ lỗi lạc, bắt đầu nhạo bang người nông dân. Ông ta nói: “Làm sao ông có thể hạnh phúc được? Làm thế nào ông có thể nói ông có niềm vui khi việc nầy đang xảy đến với ông? Ông không biết rằng thậm chí họ có thể đã giết chết gia đình ông.” Mỗi ngày họ mang ra ngoài hai hoặc ba xác người và mỗi người đều tự hỏi phải chăng mình sẽ là người kế tiếp. “Tại sao ông hạnh phúc?” Người nông dân nói: “Tôi đã nói với ông nhiều lần, tôi hạnh phúc bởi vì Chúa Jesus.”
*Richard Wurmbrand là mục sư Lutheran, người Ru-ma-ni gốc Do Thái, bị bắt giam và bị tra tấn hơn 14 năm vì đức tin mình. Ông là người sáng lập ra tổ chức Tiếng Nói Người Tuận Đạo, bênh vực và giúp đỡ tín nhân bị bắt bớ trên toàn thế giới. ND.
Có nhớ tiên tri Giê-rê-mi không? Giê-rê-mi có một niềm vui thích. Không thể ngồi tham dự trong vòng những người dự hội hè đình đám, nhưng ông vẫn vui vẻ. Nhà khoa học nói: “Chúa Jesus ư! Ông hạnh phúc bởi vì Chúa Jesus! Ông thấy Chúa Jesus sao?” “Ồ, vâng, tôi thấy Ngài mỗi ngày,” người nông dân trả lời.
– “Ông nói chuyện với Chúa Jesus?”
– “Tôi nói chuyện với Chúa Jesus mỗi ngày.”
– “Chúa Jesus nói chuyện lại với ông sao?
– “Vâng, Ngài nói chuyện với tôi mỗi ngày.”
– “Chúa Jesus làm gì? Ngài từng mĩm cười với ông sao?”
– “Vâng, Chúa Jesus mĩm cười với tôi.”
– “Hãy chỉ cho tôi Chúa Jesus khi mĩm cười Ngài như thế nào?
Người nông dân nói: “Giống như vầy.” Và vinh quang Shekinah* đã đến trên khuôn mặt của người nông dân nầy. Nhà khoa học đổ phục xuống, bắt đầu đập nắm tay mình trên sàn phòng và nói: “Tôi đã nhìn thấy Chúa Jesus.” Và ông đã trở thành một tín nhân.
*Shekhinah (còn được gọi là Shekinah, Shechinah, Shekina, Shechina, Schechinah) là từ Anh ngữ của từ giống cái tiếng Hebrew, nghĩa là ngự trị (dwelling) hoặc bố trí (settling) thường được dùng để biểu thị sự hiện diện ngự trị hoặc bố trí của Đức Chúa Trời, đặc biệt trong đền thờ Jerusalem. ND.
- Hội Thánh Lao-đi-xê
Chúng ta đang sống trong những ngày của Hội Thánh Lao-đi-xê (Khải 3:14-22), một Hội Thánh hâm hẩm, đó là kiêu ngạo, nặng về vật chất và mù tịt về tình trạng thật của mình. Nan đề đầu tiên của Hội Thánh Lao-đi-xê là không biết về mình. Họ không nhận ra mình hâm hẩm. Bởi sung túc về vật chất và tài chánh, họ nghĩ rằng mình sẽ thịnh vượng về tâm linh, nhưng không phải như vậy. Còn một chút thành tín trong Hội Thánh Lao-đi-xê, Chúa Jesus phán: “Phàm những kẻ Ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng và ăn năn đi” (Khải 3:19). Tôi muốn Chúa sửa những điều sai trái trong tôi, bởi vì khi Ngài đến, tôi muốn được chuẩn bị sẵn sàng.
- “Nó Ở Đây!”
Lời giảng nhẹ nhàng và nhạc rock sẽ không mang đến sự phục hưng. Phong trào tăng trưởng Hội Thánh có thể không mang lại sự phục hưng. Sống Đúng Mục Đích (The Purpose Driven Life) sẽ không mang lại sự phục hưng. Phúc Âm đầy dẫy niềm tin có thể không mang lại sự phục hưng. Không có gì trong chất liệu đó đã mang lại sự phục hưng.
Con người ngày nay không còn tin nữa. Họ quá đa nghi. Và, quả thật tôi nói cùng các bạn, khi nhìn vào vài điều đang hiện diện trong danh Cơ Đốc giáo ngày nay, tôi không đổ lỗi cho họ. Nếu chưa được cứu, tôi cũng sẽ rất hoài nghi.
“Hãy chỉ cho tôi. Hãy cho tôi thấy, rồi tôi sẽ tin. Hãy cho tôi thấy một thân thể bị đóng đinh và phục sinh, rồi tôi sẽ tin.”
Họ sẽ tin khi chúng ta có thể nói: “Nó ở đây!”
James Jacob Prasch
Translator into Vietnamese: Dan Nguyen