Phần 1: Giới Thiệu
Hai A-đam
Lõa Lồ Và Lá Cây Vả
Người Nam Và Người Nữ, Cả Hai Đều Sa Ngã
Việc Xảy Ra Trong Vườn
Con Rắn Và Người Nữ
Ngã Xuống
Tiếp Tục Phần 2
Midrash tiếng Hê-bơ-rơ, số nhiều là midrahim, nghĩa là “điều tra” hoặc “nghiên cứu,” là phương pháp giảng giải Thánh Kinh. Từ ngữ nầy cũng liên quan đến toàn bộ việc sưu tập tài liệu giảng dạy Thánh Kinh. Midrash là một cách giải thích các câu chuyện trong Thánh Kinh, ẩn chứa phía sau là những sự dạy dỗ về tôn giáo, luật pháp hoặc đạo đức. Trong bài nầy, midrash tạm dịch là giải thích. ND (người dịch).
- Giới Thiệu
Chúng ta hãy cố giúp các Cơ Đốc nhân hiểu Thánh Kinh trong bản văn gốc của Hội Thánh vào thế kỷ thứ nhất, được Chúa thiết lập qua những tín nhân Do Thái. Chúng ta hãy thử đọc Thánh Kinh cùng cách với Hội Thánh Do Thái đầu tiên đã đọc. Có những người đã cố làm như thế trải nhiều thế kỷ. Chúng ta tin rằng việc nầy là quan trọng trong Những Ngày Sau Rốt để hiểu làm thế nào giải thích Thánh Kinh theo cách mà Hội Thánh thế kỷ đầu tiên đã làm. Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm câu chuyện “Chúa Jesus trong Vườn” ở bối cảnh Do Thái.
Xin hãy mở sách Sáng Thế Ký đoạn 3. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta gọi sách Sáng Thế Ký là “Bereshit” nghĩa là “Ban đầu.” Sáng 3:5-6, Rắn bèn nói với người nữ rằng: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Khi người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.” Chúng ta thấy ở đây, sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời, mà chúng ta được cảnh báo từ thư tín của Giăng (I Giăng 2:16). Sứ đồ Giăng, trước giả sách Khải Huyền và Tin Lành Giăng, cũng là trước giả của ba thư tín. Chúng ta tìm thấy các midrash (giải thích) về Sáng Thế Ký khắp nơi trong tác phẩm của ông; sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời là một ví dụ.
- Hai A-đam
Một cách tổng quát, trong sự quản lý và kiểm soát của Đức Chúa Trời chỉ có hai con người: A-đam thứ nhất và A-đam sau cùng. Khi được sinh ra trong xác thịt, bạn được sanh bởi A-đam (thứ nhất). Khi được tái sanh, bạn được sanh bởi A-đam sau cùng, là Chúa Jesus.
A-đam thứ nhì, Chúa Jesus, phải giống A-đam ở khía cạnh nào đó. Cả A-đam và Chúa Jesus đều được tạo dựng trực tiếp bởi Đức Chúa Trời không qua trung gian sinh sản và cả hai được tạo ra không có tội. Tuy nhiên A-đam thứ nhất đã sa vào trong tội lỗi. Trước khi có thể bước đến thập tự giá và gánh tội lỗi của chúng ta lên chính mình, Chúa Jesus phải đảo ngược những gì A-đam thứ nhất đã làm. Đó là lý do tại sao trong Mác đoạn 1, khi mô tả Chúa Jesus chịu cám dỗ, đoạn văn nói Ngài ở chung với thú rừng giống như A-đam vậy. Bức tranh Chúa Jesus trong tính cách A-đam đã được vẽ lên nơi đây. Rồi Sa-tan đến với Chúa Jesus đưa ra ba cám dỗ tương tự như cám dỗ mà A-đam và Ê-va đã sa ngã: Sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Điều A-đam thứ nhất sa vào, A-đam thứ nhì đã không phạm đến. Trước khi bước đến thập tự giá, Chúa Jesus phải chiến thắng điều mà A-đam thứ nhất không thể vượt qua nỗi. Lúc đó và chỉ lúc đó Ngài mới có thể đi đến thập tự giá. Đó là lý do tại sao đoạn văn nói rõ: “Và Sa-tan rời khỏi Ngài cho đến thời điểm thích hợp.” Tại cuộc chạm trán đầu tiên, Sa-tan phải cố để làm cho Chúa Jesus phạm vào tội lỗi như A-đam thứ nhất. Tại cuộc chạm trán thứ nhì, Chúa Jesus có thể và đã gánh tội lỗi chúng ta. Chúa Jesus không thể đi đến thập tự giá nhân danh (thay cho) chúng ta cho đến khi Ngài đảo ngược lại được những gì A-đam thứ nhất đã làm; cho đến khi Ngài vượt qua nơi A-đam thứ nhất đã thất bại.
Tại điểm nầy, chúng ta sẽ xem xét thật kỹ cụm từ “biết” (to know): tiếng Hê-bơ-rơ, “biết” là la daot và từ Hy Lạp là gnosco. Con rắn đã ở trong vườn khi A-đam và Ê-va được bảo hãy làm cho đất phục tùng; họ luônbiết ma quỷ hiện hữu và muốn biết cách khách quan nó là gì, nhưng họ không biết rằng nó ở trong chính họ. Họ không biết nó dựa trên kinh nghiệm, mặc dù họ biết nó hiện hữu. Chúng ta biết rằng Cây Sự Sống đã có trong Vườn Ê-đen; Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác cũng ở đó. A-đam và Ê-va đã chọn giữa các cây nầy: Cây Sự Sống hoặc Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Họ đã chọn để thử làm chúa của mình, để giành được sự hiểu biết mà họ không cần phải có. Họ biết ma quỷ hiện hữu, nhưng họ không biết nó ở trong chính họ. Để hiểu điều nầy, chúng ta phải thấu đáo được những loại hiểu biết khác nhau, mà chúng ta có hai ví dụ trong Thánh Kinh. Ví dụ thứ nhất được tìm thấy trong thầy tế lễ thượng phẩm vào Ngày Đại Lễ Chuộc Tội: Chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể vào Nơi Chí Thánh và ngay cả ông ta cũng chỉ vào được một lần mỗi năm vào ngày Yom Kippur, Ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Tuy nhiên, bất cứ người Do Thái nào cũng có thể đọc sách Lê-vi Ký và biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh. Anh ta có thể đọc mô tả về đồ đạc, bánh trần thiết, Hòm Giao Ước,... vân vân, và theo đó anh biết những gì ở nơi ấy. Dầu vậy, chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể tận mắtnhận biết những gì ở đó, cũng như được đi vào bên trong, bởi vì ông được chọn ra cách đặc biệt cho việc nầy. Ông được thánh hóa hoặc biệt riêng ra cho mục đích đó: Tiếng Hê-bơ-rơ là me kudesh. Các từ Hê-bơ-rơ “biết,” “thánh hóa,” cũng như “biệt riêng ra” – La daot và Le Heet kodesh – thường đi với nhau trong Thánh Kinh. Bất cứ ai cũng có thể biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh, song chỉ có người được thánh hóa cho mục đích nầy mới tận mắt nhận biết những gì Nơi Chí Thánh, cũng như được đi vào đó.
Lần khác hai từ ngữ nầy được dùng đề cập đến mối quan hệ với nhau trong hôn nhân thánh. Ai cũng có thể lấy sách giáo khoa sinh học và quan sát thân thể người nữ: Người ta có thể nhìn các biểu đồ, hình ảnh về buồng trứng, vòi Pha-lốp, tử cung hoặc bất kỳ khía cạnh nào về cơ thể học người nữ; tất cả có trong sách giáo khoa. Ai cũng có thể biết cơ thể người nữ gồm có những gì. Tuy nhiên ở đây từ Hê-bơ-rơ dùng cho “kết hôn” có nghĩa là “làm nên thánh, thánh hóa.” Trong đám cưới người Do Thái, bạn nói “Me kudesh” hoặc “với chiếc nhẫn nầy, anh (em) kết hôn với em (anh).” Theo nghĩa đen đó là “thánh hóa,” biệt riêng ra theo luật của Môi-se và Israel. Từ ngữ dùng cho “kết hôn” và “nên thánh” thì giống nhau. Từ Hê-bơ-rơ dùng để chỉ việc “đã qua đêm tân hôn” [bắt đầu việc quan hệ tình dục] là “biết.”
Ai cũng có thể biết những gì bên trong thân thể người phụ nữ; nhưng chỉ có người nam được thánh hóa cho mục đích nầy (chồng) mới (tận mắt) nhận biết được những gì ở đó cũng như được đi vào bên trong. Cùng một thể ấy, ai cũng có thể biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh, nhưng không ai ngoài thầy tế lễ thượng phẩm mới (tận mắt) nhận biết được những gì ở đó, cũng như được đi vào bên trong. Tương tự với từ Hy Lạp “gnosko.” A-đam và Ê-va luôn biết có ma quỷ và đã có ma quỷ. Họ luôn biết những vật phải làm cho đất phục tùng, dù chưa từng thốt ra. Họ luôn biết cách khách quan, nhưng chưa trải qua kinh nghiệm. Họ biết, nhưng như thể là không biết.
- Lõa Lồ Và Lá Cây Vả
“Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” Sự lõa lồ trong Thánh Kinh không có nghĩa đơn giản là không mặc quần áo. Vâng, A-đam và Ê-va thật ra là lõa lồ, nhưng nó có ý nghĩa còn hơn việc đó. Hãy nhớ đến Hội Thánh Lao-đi-xê trong Khải Huyền: “Ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và lõa lồ” (Khải 3:17). Như Ê-sai nói, sự lõa lồ tượng trưng cho việc không có áo cứu rỗi (Ês. 61:10).
A-đam và Ê-va biết rằng giờ đây họ cần được cứu, bởi vì họ đã phạm tội. Vì vậy, sau khi phạm tội, họ kết lá cây vả lại với nhau. Hãy nhớ vật chúng ta thấy trong Sáng Thế Ký và trong Khải Huyền là cây vả. Trong Khải Huyền, bản văn mô tả lá cây vả dùng để chữa lành cho các dân (Khải 22:2); cho nên trong Thánh Kinh, lá cây vả là hình bóng hoặc biểu tượng cho việc lành. A-đam và Ê-va kết lá vả lại với nhau và cũng vậy, kẻ sa ngã sẽ luôn luôn cố tự bào chữa trước Đức Chúa Trời Thánh Khiết với việc lành.
Mọi tôn giáo trên đất đều đối nghịch hoàn toàn với Phúc Âm. Khi Đức Chúa Trời – cũng là Chúa Jesus – thấy A-đam và Ê-va trong Vườn mặc khố bằng lá cây vả, Ngài không chấp nhận lá vả và phán rằng phải có huyết chuộc tội để tẩy xóa tội lỗi. Tôn giáo là con người cố đến với Đức Chúa Trời bằng việc lành; Phúc Âm là Đức Chúa Trời đang cố đến với con người. Một lần nữa, tôn giáo đối nghịch với Phúc Âm, dù mang bất kỳ hình thức nào. Không có gì khác nhau, khi đó là các tín hữu Chứng Nhân Giê-hô-va phải dành số giờ nào đó mỗi tuần để gõ cửa, Chính Thống giáo Do Thái cố giữ luật pháp và truyền thống, lời cầu nguyện giáo nghi kể lể thuộc lòng của người Công Giáo hoặc người Hồi Giáo thực hiện chuyến hành hương đến Mecca (mọi người Hồi Giáo đều ước ao trong đời mình ít nhất một lần được hành hương đến Mecca, nay là thủ đô của Saudi Arabia. ND). Mọi tôn giáo đều dựa vào việc kết lá vả lại trong nỗ lực vô ích để biện minh trước Đức Chúa Trời. Dù vậy, tuyệt đối không có sự bảo đảm cứu rỗi nào trong đó. Ngược lại, Thánh Kinh nói trực tiếp cho chúng ta rằng: “mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp” (Ês. 64:6).
Cơ Đốc nhân không làm việc lành để được cứu; đúng ra những Cơ Đốc nhân thật sự làm việc lành bởi vì đã được cứu. Đó không phải là sự công bình của chúng ta, bèn là sự công bình của Đấng Christ ở trong và qua chúng ta. Điều đó hoàn toàn khác với tôn giáo bởi con người tạo ra. Chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta đã được cứu, không phải bởi nỗ lực để giành được sự cứu rỗi cho chính mình. Việc nầy dẫn đến lý do tại sao Chúa Jesus rủa cây vả: Nó có lá nhưng không có trái; cũng một thể ấy, Israel có việc công bình dựa vào việc tuân thủ luật pháp, nhưng không có trái Thánh Linh (Mác 11:12-21).
Chúng ta nên hiểu rằng lá tất nhiên là quan trọng; ở Trung Đông mặt trời rất nóng, không có lá trái sẽ bị phá hủy. Riêng trên cây vả, trái mọc dưới lá. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus rủa cây vả nầy, đoạn văn nói rõ rằng chưa đến mùa vả. Lời cảnh báo chúng ta phải nhận ra từ việc nầy là “Con Người đến vào giờ bạn không mong đợi,” chúng ta phải sống trong sự sẵn sàng vào mọi thời điểm. Một lần nữa, không có lá trái sẽ bị phá hủy; như Gia-cơ nói với chúng ta: “Đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” Không có gì sai với lá, nhưng vấn đề là bạn không thể ăn chúng. Bạn cần lá, nhưng những chiếc lá đẹp nhất cũng không thể thay cho việc thiếu quả. Chúng ta được bảo rằng chúng ta sẽ biết con người bởi việc làm của họ, nhưng chúng ta biết họ bởi kết quả của họ. Nên ghi nhận, việc làm có thể là chứng cớ của kết quả, bởi vì thông thường lá xuất hiện khoảng cùng lúc với trái; nhưng quá nhiều lá không bảo đảm bạn sẽ tìm thấy quả.
A-đam và Ê-va đã kết lá vả lại, cũng như ngày nay mọi tôn giáo vẫn làm. Có nhiều “hội thánh” phi Tin Lành (nguyên văn là “non-evangelical” – phi Phúc Âm, phi Tin Lành – không phải Tin Lành. ND), nghĩ mình là Cơ Đốc nhân. Nếu bạn hỏi họ: “Làm cách nào anh đến được thiên đàng?” Họ sẽ nói với bạn rằng có đủ việc lành trội hơn việc dữ, hoặc điều gì đó tương tự. Họ làm gì để che giấu sự lõa lồ của mình? Họ kết lá vả lại. Họ làm gì tại lễ Mi-sa? Họ kết lá vả lại. Họ làm gì khi đến nhà thờ Hồi Giáo hoặc lăng mộ? Họ kết lá vả lại. Mọi tôn giáo đều kết lá vả lại, thậm chí cho dù nó vô ích trong việc đạt đến sự cứu rỗi. Đối với việc đó, cần phải có huyết chuộc tội.
Như thế câu chuyện tiếp tục: “Lối chiều, [bản Thánh Kinh Việt ngữ dịch theo bản tiếng Pháp: “Le soir, quand souffe la brise, …” (Lối chiều, khi gió thổi nhè nhẹ.…). Ở đây tác giả dùng bản Anh ngữ King James Version: “And they heard the voice of the Lord God walking in the garden in the cool of the day” (lúc mát mẻ trong ngày,…). ND] nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn.” Từ Hê-bơ-rơ dùng cho “mát mẻ” (cool) cũng là từ Hê-bơ-rơ dùng cho “gió nhẹ” (breeze) hoặc “gió” (wind), ruach. Từ Hê-bơ-rơ dùng cho “gió nhẹ” (breeze) cũng là từ Hê-bơ-rơ dùng cho “linh” (spirit): pneuma trong tiếng Hy Lạp, ruach trong tiếng Hê-bơ-rơ. Vậy trong bản văn Hê-bơ-rơ hàm ý rằng bạn có ở đây sự hiện diện của Đức Thánh Linh. “A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?” Chúng ta ghi nhận rằng ở đây nói về “bụi cây trong vườn” liên quan đến Ngày Sau Rốt, Chúa Jesus không bao giờ bảo chúng ta phải học ẩn dụ về cây vả. Khi bạn đọc nó trong Lu-ca, thật ra Ngài bảo: “Hãy học ẩn dụ về cây vả và các cây khác,” hoặc “và tất cả các cây” (Lu. 21:29). Đây không phải là đề tài của chúng ta hôm nay, ngẫu nhiên tôi chỉ ra để nói rằng có nhiều ẩn dụ về cây vả hơn những Cơ Đốc nhân hiểu biết nhất. Thật vậy, ẩn dụ về cây vả và các cây khác được tìm thấy trong sách Các Quan Xét đoạn 9. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục:
- Người Nam Và Người Nữ, Cả Hai Đều Sa Ngã
Giờ đây chúng ta thấy tính cách các nhân vật được giới thiệu trong Vườn; thứ nhất và trước hết, chúng ta có Đức Chúa Trời ở hình dạng Chúa Jesus, Christophany [biểu lộ tiền thân của Đấng Christ]. Chúng ta có Sa-tan trong cung cách của hắn là kẻ lừa dối, rồi người nam lõa lồ. Đến lúc nầy, chúng ta có ba nhân vật: Đức Chúa Trời, Sa-tan và người nam lõa lồ. Chúng ta hãy tiếp tục với đoạn văn: “A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình.Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng?” Chúng ta nghe như thể Đức Chúa Trời không biết; dĩ nhiên, Chúa biết, nhưng Ngài đang thử thách A-đam. “Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” Hãy ghi nhận mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri, đã biết ai ăn đầu tiên, Ngài không đi đến Ê-va mà đến A-đam. Nếu điều gì đó Đức Chúa Trời ngăn cấm, sai trái trong hôn nhân của tôi hay gia đình tôi, hoặc của bạn hay gia đình bạn; hỡi các quý ông, có thể không phải lỗi chúng ta, nhưng đối với Chúa, nó là vấn đề của chúng ta; người nam có thẩm quyền Đức Chúa Trời trong mối quan hệ đó.
Trong Thánh Kinh, mỗi lần người nam cho phép người nữ nắm quyền lãnh đạo thuộc linh ắt sẽ có tai họa. Áp-ra-ham và Sa-ra hoặc A-háp và Giê-sa-bên là hai ví dụ. Điều nầy cũng đúng cho Vườn Ê-đen và cũng là một trong các trò gian trá xưa cũ nhất của Sa-tan. Tại sao việc lãnh đạo Hội Thánh ngày nay gặp quá nhiều sai lầm? Chúng ta sẽ thấy điều đó trong chốc lát, nhưng hãy tiếp tục.
Người nam nói trong câu 12: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” – Bởi vì sự phục sinh. “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn,...” Hãy ghi nhận rằng lời rủa sả giáng trên Sa-tan thứ nhất, người nữ thứ nhì và người nam thứ ba. Sa-tan trước tiên, thứ đến người nữ và người nam sau cùng; phán quyết được ban ra theo trình tự của tội lỗi.
Bởi sa ngã, người nam đã trở nên vô tình. Cũng bởi sa ngã, người nữ trở thành quá dễ xúc cảm. Khi cả chồng và vợ được cứu, thì hầu như là người vợ được cứu trước. Không phải luôn như vậy, nhưng có lẽ ít nhất 75% trường hợp là người vợ được cứu trước. Nếu người chồng được cứu trước, 75% trường hợp người vợ cuối cùng cũng được cứu; như nước mang hình dáng của vật chứa nó. Tuy nhiên, nếu người vợ được cứu trước, thì thường tình trạng khó khăn nhiều hơn. Người phụ nữ Cơ Đốc thường đau khổ nhiều năm về người chồng chưa tin của mình. Tại sao phụ nữ dễ tin Chúa hơn? Bởi vì họ dễ xúc cảm hơn. Khi chồng và vợ cùng cầu nguyện về một vấn đề, người vợ thường nghe từ Chúa trước và rõ ràng nhất; bởi sa ngã, người nam hay dựa vào tính nhạy cảm của nữ giới. Mặt khác, trong lúc phụ nữ thường dễ nghe tiếng Đức Thánh Linh hơn, thì họ cũng thường dễ nghe linh giả mạo và rồi bị lừa dối bởi cám dỗ thuộc linh hơn. Người nữ dễ bị tấn công với cám dỗ thuộc linh nhiều hơn người nam. Vì vậy, như người nam dựa vào tính nhạy cảm của nữ giới, người nữ cũng nhờ cậy vào sự bảo vệ của nam giới. Sự phục tùng trong hôn nhân Cơ Đốc là phục tùng lẫn nhau, nhưng theo những cách khác nhau; đó là bình đẳng trong những trách nhiệm khác nhau, song chuyện ba hoa khoác lác dừng lại với đàn ông. Người nữ dễ bị tấn công với cám dỗ thuộc linh hơn, trong lúc người nam dễ bị nguy hiểm hơn với việc không nghe gì hết. Đó chỉ là tình trạng trong thế giới sa ngã của chúng ta. Có thể có xu hướng về phía đó trước khi con người sa ngã, nhưng sự sa ngã mang nó đến những gì hiện hữu giờ đây.
- Việc Xảy Ra Trong Vườn
Kế tiếp, Đức Chúa Trời phái thiên sứ đến và đuổi loài người ra khỏi vườn: “Hãy ra khỏi đây. Ngươi không được vào nữa.” Ở đây chúng ta được giới thiệu nhân vật thứ tư, thiên sứ, kẻ nói “Hãy ra khỏi.” Trong vườn nầy, con người sa ngã. Trong vườn nầy, Đức Chúa Trời công bố lời rủa sả trên người nam và người nữ. Trong vườn nầy, thiên sứ nói: “Đừng vào đây nữa.” Trong vườn nầy, người nam lõa lồ trước mặt Đức Chúa Trời.
Thế nhưng trong vườn nầy, cũng có lời hứa về sự cứu rỗi: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.” Ê-va tượng trưng cho Israel và mở rộng cho Hội Thánh. Hội Thánh là nàng dâu của Đấng Christ và Israel là người nữ của Đức Chúa Trời.
- Con Rắn Và Người Nữ
Chủ nghĩa bài Do Thái và sự bắt bớ tín hữu Hội Thánh là đầu và đuôi, là hai mặt của một đồng xu. Chúng ta có thể phân biệt giữa hai, nhưng không thể tách rời chúng. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi thế gian phụ thuộc vào lời tiên tri của Ngài cho Israel, người Do Thái và tín hữu Hội Thánh. Hai loại người mà Thánh Kinh gọi là con Áp-ra-ham là người Do Thái và tín hữu Hội Thánh. Sự trở lại của Đức Chúa Jesus Christ dựa vào chương trình báo trước của Đức Chúa Trời cho Israel, cho người Do Thái và tín hữu Hội Thánh.
Vì thế, người Do Thái và tín hữu Hội Thánh có cùng kẻ nghịch thù. Bạn nghĩ tại sao người Hồi giáo ghét Israel và ghét nước Mỹ? Có phải là thuần túy chính trị? Không. Có lý do thuộc linh. Vào thời điểm nầy trong lịch sử, nước Mỹ là trung tâm của Cơ Đốc giáo, như nước Anh một, hai trăm năm trước và như Đức và Thụy Sĩ trong thời kỳ Cải Chánh.
“Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.” Hãy nhìn vào nước La Mã ngoại giáo: Thứ nhất, họ chống lại Hội Thánh dưới thời Nê-rô. Vài năm sau, họ trở nên thù địch với người Do Thái dưới thời Titus. Suốt những thế kỷ của tòa án dị giáo, các cuộc hành quyết người Do Thái, những cuộc thảm sát – Hội Thánh Công giáo La Mã đã bắt bớ ai nhiếu nhất? Người Do Thái và những Cơ Đốc nhân được tái sanh. Người Palestine đã nói gì tại các cuộc tập họp đông đảo của họ? “Trước hết là người Do Thái, rồi đến Cơ Đốc nhân. Thánh chiến! Thánh chiến!” [Nguyên văn “First the Saturday people, then the Sunday people. Jihad! Jihad!” – Saturday people, ý nói đến người Do Thái (người giữ ngày Sa-bát, Thứ Bảy, làm ngày thánh). Sunday people, ý nói đến Cơ Đốc nhân, giữ ngày Chúa Nhật làm ngày thánh. ND]. Nói cách khác, trước hết chúng giết người Do Thái và rồi chúng giết Cơ Đốc nhân. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.
Tất cả đều xảy ra trong vườn. Với điều nầy trong ý nghĩ, chúng ta hãy nhìn vào midrash (nghiên cứu, giải thích). Hãy mở Giăng đoạn 18 câu 1: “Sau khi phán những điều ấy, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ mình sang bên kia khe Xết-rôn; tại đó có một cái vườn, Ngài bèn vào, môn đồ cũng vậy.” Trong bốn sách Phúc Âm, người nhận ra Ghết-sê-ma-nê như một cái vườn là Giăng. Một lần nữa, Giăng luôn luôn thích thú thực hiện nghiên cứu (midrash) về Sáng Thế Ký. Khe Xết-rôn là thung lũng hẹp giữa Núi Đền (Temple Mount) ở phía tây và Núi Ô-li-ve hoặc Har Zeitim ở phía đông. Ghết-sê-ma-nê do từ Hê-bơ-rơ là Shemen, nghĩa là “dầu.” Dầu ô-li-ve dùng làm nghi lễ trong đền thờ được lấy từ Ghết-sê-ma-nê. Họ thu hoạch ô-li-ve mọc trên núi Ô-li-ve và mang về Ghết-sê-ma-nê để ép. (Vẫn còn những vườn cây ô-li-ve trên núi Ô-li-ve cho đến ngày nay – thật vậy, các chuyên gia nói với chúng tôi rằng có những cây ở đó đã 2.000 năm tuổi và vẫn đang sống; chúng hiện diện trong những ngày của Chúa Jesus – nếu không bị chặn lại vì động đất, vì ô nhiễm hoặc các thảm họa môi trường khác thì cây ô-li-ve sống cực kỳ lâu bền). Đó là Ghết-sê-ma-nê mà Chúa Jesus đã vào và nơi đó mọi việc bắt đầu xảy ra.
Trong vườn nầy, Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta lên Chính Mình Ngài. Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta và đặt lên Con Ngài, để lấy công bình của Ngài và đặt lên chúng ta. Đối với Đức Chúa Trời, một người không có tội đáng giá hơn tất cả người có tội: Đó là cách mà một người có thể chết vì mọi người. Chúa Jesus đã gánh tội lỗi chúng ta lên Chính Mình Ngài trong vườn. Đó là nơi Đức Chúa Trời bắt đầu đặt tội lỗi chúng ta lên Chúa Jesus.
- Ngã Xuống
Cơn thạnh nộ đầy trọn của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ lên Chúa Jesus lúc Ngài ở trên thập tự giá. “Giờ đây, cũng Giu-đa, kẻ phản bội Chúa, biết nơi các sứ đồ thường gặp nhau.” – Chúa Jesus thường gặp các sứ đồ ở đó – “Vậy, Giu-đa lãnh một cơ binh cùng những kẻ bởi các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si sai đến, cầm đèn đuốc khí giới vào nơi đó.Đức Chúa Jêsus biết mọi điều sẽ xảy đến cho mình, bèn bước tới mà hỏi rằng: Các ngươi tìm ai?Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét.” Tên thật của Chúa Jesus là Rabbi Yeshua Bar Yosef vi Netzeret. Chúng không biết Jesus Christ [tên tiếng Anh] là ai, nhưng chúng sẽ biết Rabbi Yeshua [tên tiếng Hê-bơ-rơ của Ngài] là ai; Ngài là Đấng Duy Nhất từ kẻ chết sống lại và chữa lành người phung; Ngài là Đấng Duy Nhất có thể đi bộ trên mặt nước. “6Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính Ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất.” Bản văn Hy Lạp nói rằng họ ngã lui và rồi trượt về phía trước. Mọi đầu gối sẽ quỳ xuống, cho dù là kẻ nghịch thù Ngài.
Hiện tượng được “Đức Thánh Linh cảm hóa” xảy ra nhiều lần trong Thánh Kinh, đặc biệt thời Tân Ước. Trong Khải Huyền đoạn 1, Giăng được Đức Thánh Linh cảm hóa vào ngày của Chúa và khi quyền năng Chúa Jesus đến trên ông, ông ngã xuống như chết. Ông ngã về phía trước và kinh hãi đến nỗi Đức Chúa Trời phải sai thiên sứ khích lệ ông. Khi Chúa Jesus đuổi quỷ ra khỏi đứa trẻ bị chúng ném vào lửa, họ nghĩ nó đã chết; nhưng khi sống lại nó hoàn toàn khác hẵn. Đa-ni-ên cũng khiếp sợ như vậy.
Hãy để ý trong Thánh Kinh bất cứ khi nào có ai được Đức Thánh Linh cảm hóa thì đó là biến cố thay đổi cuộc đời họ. Há không phải những gì xảy ra khi người ta bị hạ xuống khác nhau thể nào lúc cuộc đời họ từng được kéo lên sao? Nhưng ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân cố tạo ra kinh nghiệm nầy trong các buổi lễ ở Hội Thánh mỗi tuần. Ai đang sắp hàng? Những kẻ đó đã sắp hàng để bị hạ xuống hồi tuần trước. Họ chỉ muốn bị hạ xuống để cảm thấy xúc động về điều đó. Như với bất cứ vật nào khác, một thế hệ độc ác và gian dâm đang tìm kiếm dấu lạ nầy.
Trong Thánh Kinh, bất cứ khi nào người đang được nói đến tiến tới thì đó là phước hạnh từ Đức Chúa Trời. Lần duy nhất họ thối lui thì lúc đó là bị rủa sả và phán xét: Khi họ đến để bắt Đấng Christ. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng ở nhiều Hội Thánh lớn trên thế giới, mỗi lần người ta đi đến trước Hội Thánh để cầu nguyện, “các nhân viên đỡ bắt (official catchers)" đi theo họ. Những kẻ nầy đứng phía sau chỉ chờ cho họ ngã! Mong cho họ ngã. Thậm chí đẩy để họ ngã. Sự cầu nguyện thường lay động để họ mất thăng bằng và ngã. Cơ Đốc nhân, mắt nhắm nghiền và xúc động, tin rằng đó là quyền năng của Đức Chúa Trời và họ đi xuống. Nhưng họ đang ngã theo hướng sai. Cá nhân tôi đã chứng kiến những việc nầy nhiều lần.
Người ta khăng khăng rằng họ biết kinh nghiệm nầy đến từ Đức Chúa Trời; được, có thể thật là vậy, nhưng nếu là vậy. Ngài sẽ giận dữ với họ. Cá nhân tôi khá chắc chắn rằng hầu hết đó là phép thôi miên kết hợp với mánh khóe lừa bịp quỷ quái. Tuy nhiên, ngay cả nếu là của Đức Chúa Trời thì đó là sự phán xét.
Bạn tìm kiếm ai? Chúa Jesus. Ta là Đấng đó (I am He). Trong tiếng Hy Lạp, “Ta là Đấng đó” hay, ego ami. Từ tương đương Hy Lạp cũng được tìm thấy tại cuối Phúc Âm Giăng đoạn 8, nơi Chúa Jesus phán: “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta.” Ego ami. Người ta cố ném đá Chúa bởi vì Ngài tự cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời.
Hãy quay lại việc phân vai cho các nhân vật của chúng ta: Trong Vườn Ê-đen là Đức Chúa Trời trong Thân Vị Chúa Jesus (Person of Jesus). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê là Đức Chúa Trời trong Thân Vị Chúa Jesus (Person of Jesus). Nhưng rồi, trong Vườn Ê-đen, Sa-tan là kẻ lừa dối hiện diện. Trong Phúc Âm Giăng, việc gì xảy ra cho Giu-đa ngay trước khi các sứ đồ theo Chúa Jesus đến vườn Ghết-sê-ma-nê? Bản văn nói với chúng ta cách rõ ràng: Sa-tan vào lòng hắn. Hai kẻ duy nhất bị Sa-tan ám cách cá nhân là Antichrist hoặc tiên tri giả và Giu-đa, Con của Sự Hư Mất. Giăng trong thư tín mình mô tả Antichrist trong tính cách của Giu-đa: “Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta” (I Gi. 2:19). Bất cứ khi nào bạn thấy điều gì đó về Giu-đa trong Thánh Kinh, Đức Thánh Linh đang nói cho bạn điều gì đó về Antichrist. Cả Giu-đa và Antichrist sẽ ở trong tiền bạc; cả hai có thể lừa dối anh em – các sứ đồ đang hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không? Lạy Chúa, có phải tôi không?” – họ không biết nhân dạng của kẻ phản bội cho đến khi Chúa Jesus tiết lộ hắn ra. Cũng thể ấy, con người sẽ không biết ai thật là Antichrist cho đến khi Chúa Jesus tiết lộ hắn ra. Nếu bạn không thể thấy rõ bản chất của niềm tin phúc âm thịnh vượng (Đức Chúa Trời muốn bạn giàu có!) hoặc phong trào Ecumenical (các hệ phái Tin Lành và phi Tin Lành như Công giáo La Mã liên kết lại với nhau), điều gì sẽ xảy đến cho bạn khi Antichrist đến?
Giu-đa đã lừa gạt người ta như thế nào? Hắn lừa gạt người ta với mánh khóe của Sa-tan: Lá cây vả. “Sao không bán dầu thơm đó đặng bố thí cho kẻ nghèo?” – Hắn giả vờ thương xót người nghèo để lấy lòng người ta, khiến họ nghĩ hắn là người tốt. Tuy nhiên, thật ra hắn chỉ đang sử dụng hoàn cảnh khốn khó của người nghèo để dụ dỗ, ngụy trang và thao túng. Đáng buồn thay, Mẹ Theresa trước khi chết đã nói rằng bà không có bảo đảm về sự cứu rỗi. Khi nhận giải Nobel, bà nói rõ bà không cải đạo con người ở Ấn Độ thành Cơ Đốc nhân, song làm cho người Ấn Độ giáo (Hindu) và người Hồi giáo tốt hơn. Đó là phúc âm của bà. Bà làm sạch họ, cho họ nơi sạch sẽ để chết với phẩm cách và rồi để họ đến địa ngục nghe phúc âm.
Mother Theresa (26.8.1910–05.12.1997) là nữ tu Công giáo người Albania, người sáng lập Hội Truyền Giáo Bác Ái tại Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Suốt hơn 45 năm, bà giúp đỡ người nghèo, bệnh hoạn, cô nhi và kẻ sắp chết. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1979. ND.
- Tiếp Tục Phần 2
Antichrist cũng làm như vậy. Hắn sẽ giả vờ chăm sóc người nghèo và rồi lôi kéo người ta nghĩ hắn là kẻ theo chủ nghĩa nhân đạo tuyệt vời. Cũng hãy để ý nếu bạn nói ra sự thật về Mẹ Theresa, ngay cả hầu hết Cơ Đốc nhân cũng sẽ bị xúc phạm rằng bạn dám nói như thế về “vị thánh vĩ đại của Đức Chúa Trời.” Bạn chỉ có thể đặt bà trong dấu ngoặc kép, trong mắt họ bà vượt ra ngoài sự chỉ trích. Antichrist sẽ làm cho Mẹ Theresa giống như sự kết hợp của Giê-sa-bên và Ma Barker… khủng khiếp, kinh dị.
Kate “Ma” Barker (08.10.1873–16.01.1935) tên thật là Arizona Clark, tội phạm người Mỹ từ “kỷ nguyên kẻ thù chung” (public enemy era), khi thành tích của các nhóm tội phạm ở miền Trung Tây lôi cuốn người Mỹ và báo chí. Các tên khác là Bonnie, Clyde và John Dillinger. ND.
Một lần nữa trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chúng ta có Sa-tan trong cách của hắn là kẻ lừa dối. Chúng ta hãy xem điều nầy trong bản tóm tắt Phúc Âm rất ngắn gọn. Hãy mở Mác 14, câu 51: Khi chúng đến để bắt Chúa Jesus, “Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình.” Ở đây chúng ta có một người ở truồng chạy trốn, khi chúng đến để bắt Chúa Jesus. Anh là loại người vào lúc bị bắt bớ sẽ tái phạm tội. Họ chạy không có áo cứu rỗi trong nỗ lực cứu lấy cổ mình. Nhiều người sẽ ly khai, rời bỏ.
Vấn đề với sự bắt bớ, đó là những người không muốn bắt bớ lại bị bắt bớ trước tiên và tệ hại nhất. Tuy nhiên, kẻ khác khi sự bắt bớ đến họ sẽ từ bỏ. Hãy nhớ Chúa Jesus phán: “Nhiều người sẽ rời bỏ và phản bội nhau.” Các Cơ Đốc nhân sẽ rời bỏ và phản bội bạn ngày sau là những người nghe Copeland và Hagen hôm nay [Kenneth Coperland (06.12.1936) ở Fort Worth, Texas, USA là một trong các lãnh đạo của Phong Trào Ân Tứ (Charismatic Movement). ND]. Nếu ai đó nói lời dối trá rằng: “Đức Chúa Trời muốn bạn giàu có, bạn không phải chịu khổ, bạn là con vua,” chỉ để tìm thấy chính họ đang khổ đau, họ còn có hy vọng gì để giữ đức tin mình nữa? Đáng buồn là niềm tin của họ không bao giờ bắt đầu thật sự. Tôi là người Ngũ Tuần, nhưng sự bóp méo Ngũ Tuần cũng là bội giáo như Hội Thánh Công giáo La Mã, Chính Thống giáo Hy Lạp hoặc các hệ phái Tin Lành tự do phóng túng (liberal). Tất cả là từ ma quỷ. Tất cả là sự dối trá của Sa-tan.
Trở lại việc phân vai cho các nhân vật của chúng ta; giờ đây chúng ta có Đức Chúa Trời, chúng ta có Sa-tan và chúng ta có người nam lõa lồ trong vườn. “Các người tìm ai? “Jêsus người Na-xa-rét.” “Chính Ta đây!” Rồi chúng ta thấy nó được lập lại: “Các người tìm ai? “Jêsus người Na-xa-rét.” “Ta đã nói với các ngươi rằng chính Ta đây.” Ba lần Chúa Jesus nói: “Chính Ta.” “Nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi.” – Đây là một tập thể thống nhất (corporate solidarity); “tập thể thống nhất” là từ ngữ thần học để mô tả một kẻ thay mặt cho nhóm người đông hơn. Có nhiều tập thể thống nhất trong Phúc Âm của Giăng.
Tôi sẽ cho bạn hai ví dụ về tập thể thống nhất: Bar Abbas trong tiếng A-ram (Sy-ri) nghĩa là “Con Trai của Cha.” Hắn tương đương với một tên khủng bố thời hiện đại. Tôi sống ở Anh quốc và tôi thường xuyên đi đến Bắc Ai-len, nơi có IRA và UVF [IRA (Irish Republican Army) và UVF (Ulster Volunteer Force) là hai tổ chức mang danh Tin Lành và Công giáo được xem là khủng bố ở Bắc Ai-len. ND]; những kẻ khủng bố thuộc Tin Lành và Công giáo. Những người nầy cơ bản là những tên găng-tơ đang phạm vào tội ác có tổ chức mang danh nghĩa do nguyên nhân tôn giáo chính trị. Cả Tin Lành và Công giáo đều làm vậy. Họ vốn là những tên cướp, những kẻ giả danh tôn giáo được mô tả là tàn bạo nhất. Việc đó hoàn toàn thật sự tương đương với những gì Bar Abbas ưa thích.
“Các ngươi có muốn ta tha cho ai?” Phi-lát hỏi dân chúng. “Tên khủng bố nầy hay Ra-bi Yeshua?” Các ngươi muốn tên sát nhân nầy hay vị Ra-bi đã mang cô gái nhỏ trở lại với cuộc sống? Ai đã làm cho kẻ mù được thấy, người bại được đi và kẻ điếc được nghe, ai đã chữa lành người phung, ai đã dạy cho dân chúng về tình yêu thương, bình an và chân lý?
“Hãy tha Ba-na-ba,” chúng đòi hỏi. Ba-ra-ba là hình ảnh của tất cả chúng ta: Người công bình chết thay cho kẻ không công bình. Bar Abbas, Con của Cha. Chúng ta trở thành những đứa con của Cha bởi vì Chúa Jesus đã thế chỗ chúng ta trên thập tự giá. Cả bốn sách Phúc Âm đều đặt Phúc Âm trong diễn đàn của một tiến trình pháp lý – Chúa Jesus bị đưa ra xét xử thế chỗ chúng ta, Ba-ra-ba. Tuy nhiên, John Wimber đã nói: “Chúng ta sẽ rút Phúc Âm ra khỏi diễn đàn pháp lý.” John Wimber có một sứ điệp từ địa ngục. Cả bốn Phúc Âm đều đặt Phúc Âm trong diễn đàn pháp lý; chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời như Cha yêu thương cho đến khi chúng ta biết Ngài như Quan Án công bình.
John Richard Wimber (25.02.1934–17.11.1997) là một mục sư tài năng, uy tín, có sức lôi cuốn quần chúng và là một trong các lãnh đạo sáng lập Phong Trào Vườn Nho (Vineyard Movement). ND.
Tập thể thống nhất khác là một trong các sứ đồ: Chúng ta có cụm từ thông tục ngay cả trong Anh ngữ, “Thô-ma nghi ngờ.” Ông không phải là vị sứ đồ duy nhất nghi ngờ, nhưng ông đã nói: “Ta không tin nếu ta không thấy những dấu đinh.” Trong Xa-cha-ri 12:10, khi Chúa Jesus trở lại, người Do Thái sẽ “nhìn xem Ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng.” Đây là lúc Israel chưa tin sẽ tin: khi họ thấy những dấu đinh. Thô-ma là một tập thể thống nhất; ông là hình ảnh của đồng bào Do Thái mình.
Có tập thể thống nhất khác: “Các người tìm ai? “Jêsus.” “Chính Ta đây! Hãy để cho những kẻ nầy đi.” Ai là “những kẻ nầy”? Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đại diện cho bạn và tôi. “Các người tìm ai? “Jêsus.” “Chính Ta đây! Hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Được lắm, thế còn Jacob Prasch? Bạn có biết, gã nầy đã làm theo cách hắn, cách bán cocaine ở trường đại học không?” “Hãy để hắn đi. Ta là người các ngươi đang tìm; hãy bắt Ta.” “Nhưng hắn là kẻ cực đoan trong trường, đã ném bom xăng vào xe cảnh sát.” “Vâng, Ta biết hắn là ai và Ta biết hắn đã làm gì. Ta đã thấy hắn dưới cây vả. Hãy để hắn đi.” “Được, thế còn việc đồng tính luyến ái thì sao?” “Hãy để hắn đi. Hãy bắt Ta; Ta là người các ngươi đang tìm.” “Vậy việc dẫn khách cho gái điếm?” “Hãy để hắn đi. Ta là người các ngươi đang tìm.” “Còn gái điếm thì sao?” “Hãy để cô ấy đi. Ta là người các ngươi đang tìm, hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Để cho họ đi ư? Họ là những kẻ phạm tội!” “Ta biết họ là ai, nhưng các ngươi đang tìm Ta. Hãy để cho những kẻ nầy đi, hãy bắt Ta, hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Người là ai?” “Ta là Đấng Tự Hữu. Đây là trò chơi của Ta. Ta là Đấng đi trong vườn. Ta đã tạo ra luật lệ nầy. Chúng ta đang chơi trò chơi của Ta, bằng luật lệ của Ta: Hãy để cho những kẻ nầy đi và hãy bắt Ta.”
Đó là Phúc Âm. Chúng đã làm những gì Chúa bảo và để cho họ đi. Và việc đó đã xảy ra trong một khu vườn. Chúng ta hãy tiếp tục nhìn vào vườn. Xin hãy mở Phúc Âm Giăng đoạn 19. Trong câu 39, một lần nữa chúng ta ở trong vườn. “Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội.” Một dược trong Thánh Kinh được dùng cho một việc: Xức vào thi hài để an táng. Khi Chúa Jesus được sanh ra, họ đã mang vàng bởi vì Ngài là Vua, họ mang trầm hương bởi vì Ngài là Thầy Tế Lễ, nhưng họ cũng mang một dược bởi vì Ngài sẽ chết. Hãy nhớ Hội Thánh Si-miệc-nơ, Chúa Jesus đã phán với họ: “Ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày.” Một dược (Myrrh) trong tiếng Hy Lạp là Si-miệc-nơ (smyrrna).
“Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa. Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn.” Việc đó phải xảy ra trong vườn, như Sáng Thế Ký, như vườn Ghết-sê-ma-nê. “Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai. Ấy là nơi hai người chôn Đức Chúa Jêsus, vì bấy giờ là ngày sắm sửa của dân Giu-đa, và mộ ấy ở gần.” Chúa Jesus được chôn trong vườn. Ngày trước ngày Sa-bát, họ đọc Ha Shir Hashirim. Đến ngày nầy trong nhà hội vào ngày Sa-bát Ha Matzot đó, tuần lễ Vượt Qua, bạn đọc Megilla, như bạn biết là sách Nhã Ca. Xin hãy mở sách Nhã Ca 4:6.
“Ta sẽ đi lên núi một dược,
Đến đồi nhũ hương,
Ở cho đến khi hừng đông lố ra,
Và bóng tối tan đi.”
Chàng rể chịu xức dầu an táng, để chết cho nàng dâu; để mang của lễ được nhậm. Mối tình lãng mạn của Sa-lô-môn với nàng Su-la-mít là ẩn dụ cho mối tình của Đấng Christ với Hội Thánh. Chúa chịu xức dầu an táng, để chết cho Hội Thánh, nàng dâu Ngài. Đó là những gì đã được đọc trong nhà hội.
Giờ hãy nhìn vào đoạn 5 trong Nhã Ca: “Hỡi em gái ta, tân phụ ta ơi, ta đã vào trong vườn ta rồi! Ta có hái một dược và hương liệu ta.” Để diễn đạt theo cách khác: “Hãy vào trong. Hãy vào trong vườn.” Đó là những gì đang được đọc trong nhà hội vào ngày Sa-bát. Ngày kế, Chúa Nhật, ngày đầu tuần, ngày chúng ta gọi theo tiếng Hê-bơ-rơ là “yom Rishon.” Tuy nhiên, ngày “yom Rishon” đó là “yom Rishon” duy nhất, Chúa Nhật duy nhất trong lịch Do Thái. Đó là ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái.
Hãy mở I Cô-rinh-tô 15:20. Về sự sống lại và chúng ta đọc được gì? “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” Hãy chú ý đến từ “ngủ” (asleep – đang ngủ). “Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” Khi bạn đi ngủ, bạn lại thức dậy. Chúng ta luôn lưu ý rằng Thánh Kinh không bao giờ nói về sự chết của tín nhân là chết, mà là ngủ. La-xa-rơ đang ngủ. Cô gái nhỏ đang ngủ; Talithe Tekumi, cô đang ngủ. Phao-lô nói: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy” (I Tês. 4:13). Người chưa được cứu chết; tín nhân đi ngủ. Có nhiều điều chúng ta có thể nói về việc nầy: Có hai lý do Thánh Kinh mô tả sự chết của tín nhân là ngủ. Lý do đầu tiên, sự sống lại hiển nhiên là bạn thức dậy lần nữa. Khi bạn đi ngủ, việc tiếp theo mà bạn nhận thức được là khi bạn thức dậy. Việc tiếp theo của tín nhân lúc rơi vào giấc ngủ sẽ là nhận thức được đúng vào lúc Phục Sinh. Nhưng cũng có việc khác xảy ra khi bạn đi ngủ: Ý thức bạn đi vào lãnh vực khác, nơi mà sự việc không tạo nên ý nghĩa nào trong giờ khắc thêm vào việc thức dậy của chúng ta. Khi nằm mơ, bạn có thể mơ về người chết sống lại và nói chuyện với họ. Trong giấc mơ bạn có thế thấy những sự kiện quá khứ trong hiện tại và những sự kiện tương lai trong hiện tại. Quá khứ, hiện tại và tương lai trở nên tương tự. Có niên đại, nhưng không có thời gian. Chúng ta có hai từ Hy Lạp để chỉ thời gian là chronos và cairos. Trong cõi vĩnh hằng bạn chỉ có chronos, không có cairos. Nói cách khác, cõi vĩnh hằng không phải là đồng hồ đang chạy, mà không có đồng hồ nào hết. Đó là chronos, bảng niên đại, một trình tự của những sự kiện, nhưng không có thời gian.
Trong giấc mơ, bạn có thể thấy các sự kiện quá khứ xảy ra lần nữa: Bạn có thể thấy George Washington đang băng qua Delaware. Bạn có thể thấy việc nào đó. Bạn có thể thấy điều gì đó sẽ xảy ra, bạn có thể mơ về kỳ nghỉ sắp tới của mình ở California hoặc điều đã xảy ra trong Khải Huyền. Chiên Con đã bị giết trước khi sáng thế. Giăng đã thấy 24 trưởng lão ngồi trên ngôi; ông đã thấy các sự kiện tương lai chưa xảy ra, đang xảy ra nơi đây và bây giờ. Khi đi ngủ bạn mơ, các nhà tâm lý học cho biết tất cả chúng ta đều mơ. Họ biết từ điện não đồ và sóng não α (an-pha) trong vật khác, tất cả chúng ta đều mơ.
Ý thức bạn đi vào lãnh vực khác, nơi mà sự việc sẽ không tạo nên ý nghĩa nào trong những giờ đi bộ, chúng chỉ tạo nên ý nghĩa khi bạn chết. Như thế, vấn đề trở thành, vậy linh hồn bạn đi ngủ hay bạn đi để ở với Chúa? Liên quan đến chúng ta, bạn ở trong mộ mình. Liên quan đến cõi vĩnh hằng, xảy ra rồi. Nói theo sách Ê-phê-sô, chúng ta đồng ngồi với Đấng Christ ở các nơi trên trời. Bạn không thể áp dụng thời gian vào cõi vĩnh hằng. Đó là một trong những chỗ mà người theo giáo phái Calvin đi sai, họ cố áp dụng thời gian vào cõi vĩnh hằng. Có sự bảo đảm mãi mãi phải không? Vâng, bởi vì trong cõi vĩnh hằng, xảy ra rồi, nhưng sự bảo đảm mãi mãi không có nghĩa là một lần được cứu sẽ luôn được cứu. Đối với chúng ta, nó có thể thay đổi. Có sự bảo đảm mãi mãi, nhưng không phải theo cách mà người theo phái Calvin nghĩ. Họ làm rối tung mọi sự. Thuyết Calvin đặt căn bản trên chủ nghĩa nhân đạo. Nó là chủ nghĩa nhân đạo. Thật điên rồ.
Họ đi ngủ. Đấng Christ là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Đấy là sự hoàn thành của Chúa Cứu Thế về ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái. Điều gì xảy ra trong Chúa Nhật nầy, ngày yom Rishom, về Trái Đầu Mùa? Điều gì xảy ra trong Chúa Nhật của Tuần Vượt Qua đó? Chúa Nhật đó chúng ta đã đọc Nhã Ca và trong các nhà hội họ vẫn đọc Nhã Ca đến tận ngày nay. Chúa Nhật đó khi trời vẫn còn tối, trước lúc bình minh, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ phải đi vào Trũng Kít-rôn (Kidron), dốc xuống phía dưới đền thờ. Ông đi vào trũng Kít-rôn và ông sẽ chờ đợi, lúc trời vẫn còn tối vì tia sáng đầu tiên sẽ đến phía sau Núi Ô-li-ve. Khi thấy tia sáng mặt trời đầu tiên, ông sẽ trịnh trọng gặt hái các nhánh nho đầu tiên trong vụ thu hoạch xuân đang đến trong trũng Kít-rôn, thu hoạch cách trịnh trọng. Đó sẽ được gọi là Trái Đầu Mùa.
Giờ đây cả bốn sách Phúc Âm đều nói với chúng ta Chúa Jesus đã sống lại vào lúc mặt trời mọc. Như tôi thường chỉ ra, sự mọc của mặt trời là một phép ẩn dụ trong ngữ văn Thánh Kinh để chỉ sự sống lại của Con Người. [Tác giả chơi chữ (play words) ở chỗ nầy: Vào lúc mặt trời mọc (at sunrise), sự mọc của mặt trời (the rising of the s-u-n) và sự sống lại của Con Người (the rising of the S-o-n). ND]. Ngay cả ở Cựu Ước trong Ê-sai, “hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến” (Ê-sai 60:1). Vinh quang của Chúa phục sinh sáng hơn mặt trời, vân vân. Cả bốn sách Phúc Âm đều nói sự phục sinh đến ngay vào sáng sớm tinh mơ, lúc trời vẫn còn tối. Chính vào giờ đó, chính vào ngày đó trong năm khi thầy tế lễ thượng phẩm thu hoạch trái đầu mùa và đang mang trái đầu mùa vào đền thờ, Chúa Jesus đã sống lại như trái đầu mùa của sự phục sinh.
Như vậy, chúng ta hãy xem những gì xảy ra trong vườn. Con người sa ngã trong vườn, sự rủa sả giáng trên con người trong vườn, nhưng rồi ở khu vườn đó, Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta và bị bắt vì tội lỗi chúng ta. Sau đó, Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta. Ở nơi Ngài chịu đóng đinh có một khu vườn. Chúa chịu đóng đinh thế chỗ chúng ta trong vườn. Nhưng rồi có điều gì khác cũng xảy ra ở vườn.
Giăng 20:1, Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, ngày yom Rishom, ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri Ma-đa-la, bà đến từ Ma-đa-la xứ Ga-li-lê, sẽ có nghĩa đó là nơi có đồn lũy, tới mộ sớm trong lúc trời vẫn còn tối. Cũng như thầy tế lễ thượng phẩm phải đi vào vườn khi trời vẫn còn tối, bà thấy hòn đá lấp cửa mộ đã dời đi. “Vậy, người chạy tìm Si-môn Phi-e-rơ và môn đồ khác, là người Đức Chúa Jêsus yêu, mà nói rằng: Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, chẳng hay để Ngài tại đâu.” Hãy để ý, tin xấu trong vườn đầu tiên đến từ một người nữ. Sự rủa sả cũng đến trên người nữ trước nhất. Tin xấu đầu tiên đến từ một người nữ. Vì vậy tin tốt phải đến từ người nữ trước nhất, bạn có hiểu tại sao nó phải đến từ người nữ không? Không thể là người nam; nó phải là người nữ. Sự rủa sả đến trên người nữ trước nhất, vì vậy tin tốt phải đến từ người nữ đầu tiên. Tin xấu đầu tiên đến từ một người nữ, vậy tin tốt phải đến từ người nữ trước nhất.
Cho nên, “Phi-e-rơ với môn đồ khác bèn bước ra, đi đến mồ. Cả hai đều chạy, nhưng môn đồ kia chạy mau hơn Phi-e-rơ, và đến mồ trước. Người cúi xuống, thấy vải bỏ dưới đất; nhưng không vào. Si-môn Phi-e-rơ theo đến, vào trong mộ, thấy vải bỏ dưới đất, và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Jêsus chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác.” Bây giờ đây là một sắc thái văn hóa. Những người thợ mộc thời Thánh Kinh ở miền Cận Đông xa xưa, khi được giao nhiệm vụ xây dựng hoặc hoàn thành công trình nào đó, họ sẽ treo một mảnh vải lên. Cuối ngày, họ sẽ dùng mảnh vải đó để lau mồ hôi. Nhưng cuối ngày, khi công việc xong, bạn lấy mảnh vải hay chiếc khăn đó, gấp lại và bỏ quên.
Vì vậy, môn đồ khác đi đến mộ cũng vào trong đó. Và ông thấy rồi tin. Bởi cho đến lúc đó, họ chưa hiểu Thánh Kinh bảo rằng Chúa phải sống lại từ kẻ chết. Thế nên các môn đồ trở về lại nhà họ. “Song Ma-ri đứng bên ngoài, gần mộ, mà khóc. Người vừa khóc, vừa cúi xuống dòm trong mộ,thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chân, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm.” Giờ đây, một lần nữa, hai thiên sứ tương tự như hai chê-ru-bim trên Hòm Giao Ước, nhưng tôi sẽ không đi vào việc đó, giờ bạn có thể kiếm được các băng ghi âm nếu bạn thích. “Hai thiên sứ hỏi: Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu. Vừa nói xong, người xây lại thấy Đức Chúa Jêsus tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus hỏi người rằng: Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai?” Giả sử Chúa là người làm vườn. Giờ đây, người làm vườn đã nói gì ngày hôm trước trong Nhã Ca? Hãy vào vườn ta hỡi người yêu dấu của ta. Bạn thấy trong Sáng Thế Ký, thiên sứ nói, hãy ra khỏi đây. Hãy ra khỏi vườn, bạn không thể vào được nữa. Nhưng một lần Chúa đã cất tội lỗi của chúng ta trong vườn và đã sống lại từ kẻ chết; giờ đây thiên sứ bảo, hãy vào trong. Chúa đã phục sinh! Hãy vào trong.
Người nữ thì nhạy cảm hơn. Họ nhận ra trước. Người nam thì chậm một chút. Câu chuyện tiếp tục. Bà cố nói với các sứ đồ. Giả sử Chúa là người làm vườn, bà nói với người: “Hỡi chúa, ví thật ngươi là kẻ đã đem Ngài đi, xin nói cho ta biết ngươi để Ngài đâu, thì ta sẽ đến mà lấy. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi Ma-ri! Mari bèn xây lại, lấy tiếng Hê-bơ-rơ mà thưa rằng: Ra-bu-ni (nghĩa là Thầy)! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến Ta; vì Ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi.” Trong Phúc Âm Giăng, trước đây Chúa Jesus thường nói đến Cha như Cha Ngài trong hình thức sở hữu, sở hữu cá nhân. Khi mà Chúa gánh lấy tội lỗi chúng ta và sống lại từ kẻ chết, giờ đây Ngài là Cha của chúng ta.
Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ - người nữ rao truyền trước tiên. Bạn biết, tôi tin chắc về vấn đề nầy. Hơn tám trong số mười lần khi chồng và vợ được cứu, thì vợ là người được cứu trước. “Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa, và Ngài đã phán cùng mình những điều đó.” Vì vậy, “Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ,” (người Do Thái tính ngày bắt đầu lúc mặt trời lặn), khi “những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: (Shalom alech em) Bình an cho các ngươi!” Giờ đây khi nói sợ dân Do Thái, không có nghĩa dân chúng là người Do Thái. Tất cả họ đều là người Do Thái. Chúa Jesus là người Do Thái. Tất cả họ đều là người Do Thái. Ma-ri là người Do Thái, các sứ đồ là người Do Thái. Bạn có được ở đây là vấn đề dịch từ Hy Lạp “yudeioi” nghĩa là người Giu-đa. Sự thiết lập tôn giáo trong và xung quanh Giê-ru-sa-lem do dân chúng kiểm soát. Không có nghĩa là thuộc tộc người Do Thái, bởi vì tất cả họ đều là người Do Thái. Vì vậy, nghĩa là sự thiết lập tôn giáo trong và xung quanh Giê-ru-sa-lem do Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin) và người của họ kiểm soát.
Và Chúa phán: Bình an cho các ngươi. Tôi đã giải thích điều nầy nhiều lần ở đây tại Believers in Grace (Tín Nhân Trong Ân Điển), nhưng có người trước đây chưa nghe.
Tôi sống ở Anh quốc, nơi mà tiến sĩ Samuel Johnson mỉa mai, thế nhưng chính xác trong tự điển của mình, bình an (peace - hòa bình) được định nghĩa là thời kỳ chuẩn bị và lừa dối giữa hai cuộc chiến tranh. Chúng tôi nghĩ về bình an trong nghĩa Hy Lạp “Irene,” giống như tên một cô gái, là không có xung đột. Đó là bình an mà thế gian cho bạn. Bình an của Đức Chúa Trời là shalom. Cuối cùng giờ đây sự bình an của Chúa sẽ bao gồm cả việc không có xung đột. Khi Chúa Jesus trở lại, các nước sẽ đâm ngọn giáo mình vào kéo tỉa cây. Cuối cùng sự bình an sẽ bao gồm cả việc không có xung đột. Nhưng không có xung đột không phải là bình an. Bình an (shalom) đến từ dạng nguyên mẫu của động từ Hê-bơ-rơ là “leshalem.” Leshalem nghĩa là trả (to pay). Nó là từ đồng nghĩa trong Thánh Kinh Hê-bơ-rơ với từ “le malot,” nghĩa là làm đầy (to fill). Và nghĩa là làm trọn (to fulfil). Leshalem, từ ngữ shalom đến từ leshalem. Chúng ta có được shalom từ leshalem, để trả, để làm đầy và để làm trọn. Chúng ta có bình an bởi vì Chúa Jesus đến để trả giá cho tội lỗi chúng ta, để làm đầy chúng ta với Thánh Linh Ngài và để làm trọn luật pháp, torah. Chúng ta có shalom bởi vì Đấng Mê-si đến để leshalem, để trả giá cho tội lỗi chúng ta và để làm đầy chúng ta với Thánh Linh Ngài và để làm trọn luật pháp. Bạn có thể ở trong cuộc xung đột lớn nhất của đời mình và bạn vẫn có bình an. Hoặc bạn có thể ở vào tình trạng tinh nguyên hoàn hảo nhưng thiếu bình an. Yeshua (Chúa Jesus) phán: “Ta cho các ngươi sự bình an, chẳng phải như thế gian cho.”“Sự bình an của Ta ban cho.” Đó là những gì Ngài đã phán.
Giờ đây, vấn đề rõ ràng là: Trong vườn chúng ta đã bỏ đi khỏi đó. Trong vườn Sa-tan đã điều khiển chúng ta và hắn điều khiển cho đến ngày nay. Trong vườn chúng ta đã phải trả giá bằng lời rủa sả trên chính chúng ta. Nhưng trong vườn Đức Chúa Trời đã hứa ban sự cứu chuộc. Dù bạn có tin hay không, cũng không liên quan. Như đã định con người phải chết một lần rồi chịu phán xét. Nếu bạn không tin những gì tôi nói hôm nay, tôi bảo đảm với bạn thời điểm đến thì bạn sẽ tin, nhưng sẽ quá trễ. Vấn đề duy nhất là nó thật hay giả? Tôi có thể nói với bạn nó là thật. Bạn sẽ tin vào ngày nào đó, nhưng sẽ quá trễ. Ngay bây giờ là thời điểm đã định, hôm nay là ngày cứu rỗi.
Cũng giống như A-đam và Ê-va, bạn đang lõa lồ đứng trước Đức Chúa Trời toàn hảo thánh khíết. Và tất cả lá vả trên thế gian cũng không đủ tốt. Không phải tổng giá trị của lá vả sẽ cứu bạn khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Bạn có thể đang tin vào việc lành và là những gì xã hội gọi là người tốt. Dù tốt đến đâu, bạn cũng không đủ tốt để đi đến Thiên Đàng. Dù tốt đến đâu, bạn cũng không đủ tốt để đi đến Hỏa Ngục. Dù bạn xấu xa đến đâu, bạn cũng không đủ xấu xa để đến nỗi Đức Chúa Trời không yêu thương bạn và không muốn cứu bạn.
Hãy xem, tôi có hoàn cảnh thuận lợi. Tôi lớn lên trong văn hóa Tin Lành. Thậm chí tôi không biết Cơ Đốc Nhân Tái Sanh là gì. Vào lúc mười sáu tuổi, tôi ngu dại vướng vào hê-rô-in. Tôi không biết, không có ai thuyết phục để tôi biết tôi là tội nhân. Tôi đã biết rồi. Ma quỷ đưa người ta vào Hỏa Ngục với tôn giáo nhiều hơn là hắn làm tất cả người ngu độn, tất cả kẻ đồi bại, tất cả kẻ cờ bạc, tất cả các loại tội lỗi nầy gộp lại với nhau. Những chiếc lá vả dẫn đưa đến Hỏa Ngục. Vậy bạn đang lõa lồ đứng trước Đấng Sáng Tạo và có thể bạn đang kết lá vả. Bạn đang tin cậy vào tôn giáo. Không đổ huyết thì không có sự tha thứ (Hê-bơ-rơ 9:22).
Nhưng ai đó đã vào vườn ở chỗ của bạn. Hãy chỉ nghĩ về phiên tòa, nơi có một quan án, một công tố và một luật sư bào chữa. Giờ đây, quan án đó, công tố đó và luật sư bào chữa đó sẽ đứng về phía bạn hoặc chống lại bạn. Giả sử bạn ở tại phiên tòa nơi mà quan án cũng là luật sư bào chữa cho bạn. Bạn không thể thất bại. Nơi đó công tố là Sa-tan, kẻ kiện cáo anh em. Nếu quan án cũng là luật sư bào chữa cho bạn và công tố là Sa-tan, bạn không thể thất bại. Mặt khác, nếu quan án không phải là luật sư bào chữa cho bạn, nhưng là công tố, bạn không thể thắng được. Nhưng bạn có thể thắng. Bằng cách nào? Bằng cách để Ngài gánh tội bạn. Trong vườn Ngài đã gánh lấy rồi. Bạn chỉ phải chấp nhận rằng Ngài đã làm vậy. Đó là Phúc Âm. Ngài đã gánh lấy rồi, bạn chỉ phải chấp nhận Ngài đã làm điều đó thôi.
Những chiếc lá vả sẽ không làm cho bạn không tốt. Các thánh lễ, những buổi cầu nguyện đặc biệt, tôn giáo, sẽ không làm bạn tốt được. Chúng chỉ là những chiếc lá vả. Tôi không chống lại những việc lành; chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta được cứu, chứ không phải làm việc lành để được cứu. Nó đã xảy ra trong vườn. Đó là sự lựa chọn của bạn. Chúa đã gánh tội bạn. Bạn có thể quay khỏi tội lỗi và cầu xin Chúa tha thứ cho bạn. Hãy cầu xin Ngài vào trong đời sống bạn và ban cho bạn đời sống mới. Chúa có thể làm được. Ngài đã làm rồi. Vâng, tôi biết. Nhưng giờ đây có Con của Cha. Hãy lấy tôi thay thế vào. Chúa đã thấy bạn dưới cây vả. Chúa muốn nói với bạn những gì Ngài đã nói với môn đồ Ngài. Thật vậy, Chúa muốn nói với bạn những gì Ngài đã nói với tôi. Những gì Chúa đã nói với môn đồ Ngài, Ngài muốn nói với chúng ta bởi vì Chúa muốn chúng ta là môn đồ Ngài. Chúa đã nói với họ: “Bình an cho các ngươi!” Shalom alechem. Các ngươi muốn bình an ư? Không thành vấn đề. Các ngươi có thể có bình an. Các ngươi có thể có shalom (bình an) bởi vì Ta đã đến để leshalem (trả), ở trong vườn, để trả giá cho tội lỗi của các ngươi. Để làm đầy các ngươi với Thánh Linh Ta và để làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời mà các ngươi có thể không bao giờ bắt đầu giữ gìn. Đó là nhũng gì Chúa Jesus đã nói với Ma-ri Ma-đơ-len, đó là những gì Chúa Jesus đã nói với Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng. Đó là những gì Chúa Jesus đã nói với tôi, đó là những gì Chúa Jesus đã nói với Bill Randles và nếu bạn chưa tái sanh thì đó là những gì Chúa Jesus đã nói với bạn hôm nay. Shalom alechem.
Nếu bạn chưa biết Chúa, xin đừng rời khỏi nơi đây hôm nay mà không nói chuyện với mục sư hoặc với tôi. Nếu bạn chưa tái sanh, chúng tôi sẽ ở lại đây sau buổi nhóm, đừng đi ra khỏi cửa cho đến khi bạn nghe Chúa Jesus nói với bạn shalom alechem.
Chúa ban phước.
James Jacob Prasch Translated into Vietnamese by Daniel Nguyen.