Hình Thể Học (Typology) Về Đá Quý Và Kim Loại Quý
“Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” (I Côr. 3:12-15).
Ví dụ như chúng ta có các tổ chức ở Israel, với động cơ đúng và thậm chí còn làm những điều phải lẽ, song theo ý tưởng của họ chứ không phải của Đức Chúa Trời. Vì vậy họ ký thỏa thuận với chính phủ Israel và nói sẽ không truyền giảng Tin Lành cho người Do Thái di dân từ Nga, sẽ không cho Kinh Thánh Tân Ước, mà chỉ chở người đến Israel thôi. (Họ làm thế và bước vào cuộc chiến lớn với dân Do Thái vì Chúa Jesus và những người khác). Chiếc thuyền với mười người Do Thái trên đó, chẳng có ai khác, như vậy họ bắt đầu chở du khách lấy tiền. Mặc dù họ đã nhận được hàng triệu đóng góp để làm việc nầy, Đức Chúa Trời đã không ban phước bởi vì đó là ý tưởng con người. Đây là những người tốt, yêu mến Chúa, và có ý định thiện lành, nhưng tại sao Chúa không ban phước? Bởi họ đang cố gắng làm những việc với ý tưởng và sức riêng của mình. Sớm hay muộn rồi họ sẽ bị thử nghiệm với lửa (I Côr. 3:13), và duy việc Chúa chỉ định sẽ tồn tại với lửa. Là tín nhân, nhiều điều chúng ta làm trong đời sống với động cơ đúng, và ngay cả có thể ở mức độ Chúa sẽ dùng, song Ngài không ban phước, cũng chẳng khen thưởng gì hết.
Đó nói về những vật dụng sẽ bị lửa thiêu hủy. Bằng cách nào sự sa ngã con người lại chen vào giữa Phúc Âm Chúa Jesus. Đức Chúa Trời biết trước những gì xảy ra, nhưng chúng ta không ra đời để được tái sanh, mà sanh ra để đi đến thiên đàng làm con Chúa— bạn của Ngài. Chúng ta được dựng nên để yêu thương, để phục vụ, để thờ phượng Chúa, và để chia sẻ các phước hạnh Ngài. Sự Sa Ngã bằng cách nào đó lại chen vào giữa. Theo ý nghĩa nào đó, tiền đề của Phúc Âm là phải phục hồi những sự đã mất bởi Sa Ngã.
“Vàng xứ nầy rất cao (rất tốt); đó lại có nhũ hương và bích ngọc (onyx, mã não)” (Sáng 2:12).
Đây là trước khi Sa Ngã—vàng và đá quý.
Trong I Cô-rinh-tô 3:12 chúng ta có bạc. Chúa Jesus bị phản bội vì bạc, Giô-sép bị phản bội vì bạc, “Ta sẽ..., ban bạc thay cho sắt” (Ês. 60:17). Bạc luôn đại diện cho giá của sự cứu rỗi ở một số cách. Trong hình thể học về Đền Thờ, từ Nơi Chí Thánh càng đi xa giá trị của các khoáng vật tương ứng giảm dần. Bạc thì ở giữa. Bắt đầu với đồng, rồi bạc, nhưng ở Nơi Chí Thánh là vàng. Càng đến gần Đức Chúa Trời, giá trị khoáng vật càng tăng. Vào thời ấy họ chưa có platinum (bạch kim, có lẽ họ chưa biết về kim loại cực quý nầy—thậm chí ngành luyện kim còn chưa biết cách sản xuất nó), vì vậy vàng là vật quý giá nhất mà họ biết ở thời kỳ Kinh Thánh. Hãy xem những gì xảy ra sau sự cứu rỗi.
“Những nền tường thành thì trang sức đủ thứ ngọc. Nền thứ nhứt, bằng bích ngọc; nền thứ nhì, bằng đá lam bửu; nền thứ ba, bằng lục mã não; nền thứ tư, bằng đá lục cẩm; nền thứ năm, bằng hồng mã não; nền thứ sáu, bằng đá hoàng ngọc; nền thứ bảy bằng ngọc hoàng bích, nền thứ tám, bằng ngọc thủy thương; nền thứ chín, bằng ngọc hồng bích; nền thứ mười, bằng ngọc phỉ túy; nền thứ mười một, bằng đá hồng bửu; nền thứ mười hai, bằng đá tử bửu. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu; mỗi cửa bằng một hột châu nguyên khối làm thành. Ðường trong thành làm bằng vàng ròng, giống như thủy tinh trong suốt” (Khải Huyền 21:19-21).
Ðường trong thành làm bằng vàng ròng.
Trước khi Sa Ngã chúng ta có các loại đá quý được khảm trong vàng, sau khi tiến trình cứu cuộc hoàn tất chúng ta có các loại đá quý được khảm trong vàng. Không có bạc, ví như bạc chỉ có giá trị trần tục. Bạc sẽ bị oxýt hóa, còn vàng thì không. Nhưng bạc ít nhất cũng có một số giá trị thế gian, còn gỗ, cỏ khô, rơm rạ thì không có giá trị lâu bền.
Trong bộ áo thánh của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm có bảng đeo ngực như sự công bình và ê-phót với hai đai vai có đá quý khắc tên mười hai chi phái Israel, lần lượt tương ứng với các loại đá quý trong Khải Huyền. Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm phải mang gánh nặng của Israel trên ngực và vai mình. Ông không thể cởi ê-phót ra. Khi cầu nguyện cho ai đó, chúng ta cầu thay cho họ—chúng ta mang gánh nặng trong lòng và trên vai mình. Chúng ta không được bỏ đi. Chúng ta biết ở thư Hê-bơ-rơ, Thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm là Đức Chúa Jesus, Đấng mang gánh nặng cho Israel trong tấm lòng và trên vai Ngài— Ngài không bỏ đi. Nhưng đó là các loại đá quý được khảm trong vàng.
Phi-e-rơ nói điều tương tự: “Sự thử thách đức tin anh em quý hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa” (I Phi. 1:7). Kim cương được hình thành ra sao? Áp lực và lửa (áp suất và nhiệt độ). Đức Chúa Trời sẽ tạo nên bạn và tôi thành đá quý được khảm trong vàng (gold) như thế nào—tin kính, ngoan đạo (godly)? Áp lực và lửa.*
*Có lẽ ở đây tác giả chơi chữ với hai từ hơi giống nhau là gold (vàng) và godly (tin kính, ngoan đạo).
Vàng thì quý giá, song đời sống Cơ Đốc tin kính, ngoan đạo còn quý giá hơn. ND.
Ai muốn áp lực? Ai muốn lửa? Không phải tôi! Nhưng khi có kim cương đó, chúng ta chắc chắn vui mừng. Lúc đến thiên đàng, chúng ta sẽ không hối tiếc bởi thử thách đơn sơ của Đức Chúa Trời, vì chúng ta sẽ là đá quý được khảm trong vàng; các thứ khác sẽ bị thiêu hủy. Dĩ nhiên, người chưa được cứu thậm chí không được tính vào phương trình.
Trái Thánh Linh trong thư Ga-la-ti là bản chất của Đức Chúa Trời, và trong ngôn ngữ Hy Lạp cho ý tưởng rằng trái đầu tiên của tất cả là yêu thương. Trái Thánh Linh đầu tiên là tình yêu thương—tất cả những trái khác đều xuất phát từ tình yêu thương. Chúng ta thường nói Trái Thánh Linh ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Gal. 5:22), nhưng không, Trái Thánh Linh là tình yêu thương; những trái khác là kết quả của tình yêu thương, làm hoàn hảo tình yêu thương của Đấng Christ trong chúng ta.